Boeing sớm lựa chọn các doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo dự báo, ngành hàng không ở khu vực Đông Nam Á sẽ phát triển nhanh nhất trên thế giới. Trong vòng 30 năm tới, khu vực này sẽ cần khoảng 4.000 máy bay và Việt Nam được xác định là quốc gia dẫn đầu trong xu hướng này. Các nhà cung cấp hiện tại của Boeing tại Việt Nam đang không ngừng nâng cao tiêu chuẩn chất lượng và năng suất đạt đẳng cấp thế giới trong quá trình trở thành một phần quan trọng thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu của Tập đoàn Boeing.

Lần đầu tiên Diễn đàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Boeing được tổ chức ngày 25/8, tại Việt Nam, với sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp, nhà cung cấp, đại diện các trường đại học và cơ quan quản lý chức năng. Sự kiện này đánh dấu cam kết của Tập đoàn hàng không vũ trụ Boeing trong việc đồng hành với Việt Nam để phát triển ngành hàng không vũ trụ.

Tập đoàn Boeing chia sẻ tầm nhìn đối với việc tăng cường cơ hội của Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất và đào tạo hàng không vũ trụ, chuỗi cung ứng, hàng không bền vững, cũng như nghiên cứu và phát triển.

Ông Michael Nguyễn, Giám đốc Boeing Việt Nam, chia sẻ: “Diễn đàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Boeing là thành quả của quá trình hợp tác giữa Boeing với Việt Nam và ngành hàng không của đất nước trong suốt 25 năm, nhằm nâng cao năng lực hàng không vũ trụ của quốc gia. Những cơ hội trọng điểm đã được nêu ra tại Diễn đàn hoàn toàn phù hợp các mục tiêu "Make in Vietnam", "Digital Vietnam" và "Năng lượng xanh" của Chính phủ Việt Nam. Tập đoàn Boeing sẽ tiếp tục làm việc với ngành công nghiệp hàng không vũ trụ và các trường đại học tại Việt Nam để xây dựng nền tảng cho sự phát triển lâu dài của ngành”.

Theo Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam nằm ở trung tâm kinh tế, kết nối giao thương khu vực  với toàn cầu. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngành hàng không vũ trụ Việt Nam có sự tăng trưởng, phát triển vượt trội so các quốc gia trong khu vực. Năm 2020, công nghệ hàng không vũ trụ đã được đưa vào danh mục các ngành công nghiệp công nghệ cao được Việt Nam ưu tiên đầu tư phát triển. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang từng bước nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm phục vụ công nghiệp hàng không; cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển nhanh chóng và bền vững.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Boeing nghiên cứu phát triển Trung tâm đào tạo phi công, chuyên gia, kỹ sư trong lĩnh vực hàng không vũ trụ cũng như thiết lập cơ sở sản xuất tàu bay tại Việt Nam. Ngoài ra, cùng các doanh nghiệp Hoa Kỳ xúc tiến hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất và dịch vụ kỹ thuật ngành hàng không như sản xuất linh kiện, bảo dưỡng tàu bay, công nghiệp sản xuất vệ tinh, công nghệ sóng viễn thông; kết nối doanh nghiệp Việt Nam với chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên toàn cầu. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, trước kia, Bộ chưa dám đề xuất nhưng giờ đây đã đúng thời điểm mà Việt Nam khẳng định các doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào chuỗi của Boeing.

Tại Việt Nam, Boeing đã có các cơ sở sản xuất các cấu kiện, chi tiết của máy bay như cánh máy bay, đuôi, cửa sổ máy bay,… thông qua tập đoàn Mitsubishi và các tập đoàn khác của Hàn Quốc. Đây là tiền đề để Boeing kết nối doanh nghiệp VN vào chuỗi cung ứng toàn cầu sản xuất các linh kiện, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nâng cao trình độ, công nghệ, đầu tư nhà xưởng, chuẩn bị các giấy chứng nhận,… Boeing nghiên cứu sớm lựa chọn các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp cơ khí vào chuỗi của Boeing. Rất nhiều doanh nghiệp VN đã nhập khẩu công nghệ, thiết bị, đào tạo lao động có tay nghề trình độ cao. Mừng vì FPT đã nhiều lần hợp tác cung cấp phần mềm cho Boeing, như vậy đã có nhiều đơn vị doanh nghiêp Việt Nam trực tiếp hay gián tiếp hợp tác với Boeing.

Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, Hàng không đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, Việt Nam được đánh giá Top 10 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi tốt nhất khu vực châu Á và hàng đầu Đông Nam Á. Việt Nam có sự tham gia của các hãng bay tư nhân khá năng động và sẽ có nhu cầu tăng về vận chuyển khách và hàng hóa xuất khẩu trong các năm tới.

Cả hai đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công thương đều khẳng định Việt Nam thị trường Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực và Việt Nam chưa có cơ sở nào lắp ráp máy bay, chưa có nhiều doanh nghiệp sản xuất các chi tiết và linh kiện máy bay và đồng thời chưa có doanh nghiệp được thâm nhập vào chuỗi cung ứng của Boeing. Một số lĩnh vực khác như bảo trì, bảo dưỡng và đào tạo đội ngũ máy bay,… đều phải thực hiện ở nước ngoài. Thị trường hàng không có thể mở rộng khi nhu cầu thực tế đang tăng lên. Bên cạnh đó lĩnh vực sản xuất trang thiết bị kỹ thuật cho ngành hàng không, sản phẩm chi tiết phụ tùng cho máy bay chưa có đầu tư và nghiên cứu phát triển.

Xu hướng phát triển ngành hàng không bước đầu đã hình thành nhưng sự kết nối theo chuỗi, đặc biệt kết nối các doanh nghiệp với dịch vụ vận chuyển chưa chặt chẽ. Trong thời gian tới ngành hàng không VN sẽ tiếp tục duy trì phát triển dưới sự biến động khó lường về kinh tế, chính trị, xã hội, cần định hướng xây dựng ngành hàng không hiện đại hóa, mở rộng chuỗi cung ứng đặc biệt khi Việt Nam là một thị trường mở chỉ sau Singapore với việc ký hơn 15 Hiệp định tự do thương mại với các nước và khu vực. Cần củng cố năng lực vận chuyển hàng hóa xuất khẩu những mặt hàng như rau quả tươi, mặt hàng nhỏ có giá trị cao.

Hiện nay, việc tham gia vào hệ thống sản xuất phương tiện bay, gia công chế biến sản xuất các phụ tùng linh kiện đơn giản không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao các doanh nghiệp Việt Nam có thể bắt tay vào làm được ngay. Tiếp theo, những kết nối bước đầu này sẵn sàng cho việc sản xuất gia công những sản phẩm có hàm lương công nghê cao hơn, khó hơn. Việc lựa chọ doanh nghiệp tham gia vào ở mức độ nào cần có những yêu cầu cụ thể từ phía Boeing.

Ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam cũng đã khác so với 5-10 năm qua và ngày càng được hoàn thiện hệ thống pháp lý. Nghị đinh 111 của Chính phủ năm 2015 về công nghiệp hỗ trợ cũng như Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ về chưng trình hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp VN quan tâm, đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt sẽ tham gia sâu vào ngành chế biến chế tạo và đặc biệt ngành công nghiệp nền tảng như vật liệu cơ khí, công nghiệp phụ trợ nâng cao năng lực sản xuất.

M3 sớm chính thức tham gia chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ toàn cầu

Ông Đặng Đình Thi, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thông tin M3, giới thiệu trình bày về năng lực của công ty cũng như công bố việc nhận được chứng nhận NADCAP chứng nhận quốc tế về nhà thầu cung cấp linh kiện HKVT&QP 1 ngày trước khi diễn ra sự kiện. Đây là chương trình kiểm định quốc tế danh giá dành cho các nhà thầu về HKVT & Quốc phòng. Để đạt được chứng nhận này, M3 đã mời chuyên gia cao cấp về NADCAP Sham Hosadurg đến đánh giá và tư vấn thực hiện các điều kiện (như hạ tầng, con người, quy trình, thiết bị sản xuất, thiết bị đo kiểm…) từ cách đây 3 năm.

Danh mục Tìm nguồn cung ứng các sản phẩm trên Boeing

Về phía Boeing, đại diện Tập đoàn cũng chia sẻ Chiến lược khử carbon cho ngành hàng không bằng cách đặt trọng tâm vào việc đổi mới đội bay, nâng cao hiệu suất hoạt động, chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo, cụ thể là tập trung vào nhiên liệu hàng không bền vững và áp dụng công nghệ tiên tiến.

Mục tiêu Giảm khí thải Co2 trên từng máy bay của Boeing

Boeing cho biết năng lượng tái tạo là một trong các tiêu chí để xét tuyển các nhà cung ứng nhằm đảm bảo cam kết phát thải bằng Không vào năm 2050.

Boeing muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam 'đi nhanh và chạy nhanh' Ông Michael Nguyễn, giám đốc Boeing Việt Nam, cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí về khả năng các doanh nghiệp của Việt Nam có thể trực tiếp sản xuất, cung ứng cấu kiện sản xuất máy bay cho Tập đoàn Boeing.

Ông Michael Nguyễn cho biết hiện Boeing có 7 nhà cung cấp tại Việt Nam. Một chiếc Boeing 747 có khoảng 6 triệu vật dụng, linh kiện thì có 50% là vật tư nhỏ, đinh ốc. Và mỗi chiếc Boeing được sản xuất ra đều có linh kiện, thiết bị được sản xuất từ Việt Nam, như cánh, cửa ra vào máy bay.

Boeing tìm nhà cung ứng cấp 1 đến cấp 3 và coi trọng các nhà cung ứng như nhau, đều phải đảm bảo trách nhiệm như nhau trong cùng chuỗi. Trung thực là nguyên tắc để làm việc và cùng tháo gỡ khó khăn vì mục tiêu chung là phát triển an toàn và bền vững.

Theo đại diện Boeing Việt Nam, hiện các công ty của Việt Nam đã sản xuất hàng cho Boeing khi tập đoàn này có nhiều tầng nấc nhà cung ứng. Boeing không phân biệt nhà cung cấp nào. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể đa số chưa làm việc trực tiếp được với Boeing nhưng có thể làm việc với các công ty nước ngoài tại Việt Nam đang cung ứng sản phẩm cho Boeing, điều  này rất tốt cho họ chuẩn bị tiến tới tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.

"Tập đoàn Boeing mua hàng từ nhiều nơi trên thế giới và nhận thấy Việt Nam có tiềm năng từ nhân viên, chuyên gia có thể sản xuất, cung ứng sản phẩm cho Boeing. Mục đích diễn đàn ngày hôm nay là để tìm kiếm thêm các nhà sản xuất vật dụng, chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Mục đích thứ hai là hợp tác với các trường đại học Việt Nam để xây dựng nền tảng cho sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ" - ông Michael Nguyễn cho biết.

Ở Việt Nam, Boeing cũng đóng góp vào một số sáng kiến cộng đồng, tập trung cho giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán), cung cấp nguồn lực nhằm trang bị, phát triển kỹ năng kỹ thuật cho thanh thiếu niên và lực lượng lao động trẻ. Boeing đã hỗ trợ đầu tư 3,1 triệu USD khoảng 74 tỷ cho việc hợp tác đào tạo và xây dựng trường học cho Việt Nam.

NADCAP (the National Aerospace and Defense Contractors Accreditation Program) là một chương trình kiểm định quốc tế trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không vũ trụ, quốc phòng và các ngành công nghiệp có liên quan, được tiến hành bởi PRI. Đây là tổ chức phi lợi nhuận hàng đầu thế giới về thiết lập các chương trình giám sát, kiểm định doanh nghiệp sản xuất trong các ngành công nghiệp (hàng không vũ trụ, y tế, giao thông, năng lượng, xây dựng…), hướng đến hai mục tiêu cốt lõi là “an toàn” và “chất lượng”.

Việc đạt được chứng nhận NADCAP sẽ giúp M3 khẳng định được chất lượng sản xuất các thiết bị HKVT của đơn vị đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế, đặc biệt là việc làm chủ quy trình sản xuất chi tiết có yêu cầu cao, cần các quy trình đặc biệt như Hóa mạ Anode (điện cực dương), Chromate (Mạ Crôm)… theo các tiêu chuẩn thế giới như MIL (tiêu chuẩn độ bền cho các thiết bị trên chiến trường của Quân đội Mỹ), ASTM (tiêu chuẩn thống nhất, tự nguyện giữa các nhà sản xuất, khách hàng và người dùng khắp thế giới của Hiệp hội Thí nghiệm và Vật liệu Hoa Kỳ)… Và đây là điều kiện để M3 có thể chính thức tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các Tập đoàn hàng không.