Triển vọng Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP hoàn thành kế hoạch năm 2022

            Theo báo cáo sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 của VEAM, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) toàn VEAM ước đạt 1.956 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch cả năm; doanh thu ước đạt 2.498 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và đạt 49% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 4.787 tỷ đồng, vượt 2% kế hoạch cả năm 2022 và lãi ròng đạt 4.673 tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch cả năm 2022. Điểm sáng trong hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 của VEAM đó là công tác xuất nhập khẩu, với giá trị xuất khẩu đạt 24,3 triệu USD/43 triệu USD kế hoạch trong bối cảnh dịch bệnh và bất ổn về chính trị tại một số thị trường xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp.

Công ty mẹ cũng có những bước tăng trưởng ổn định, đặc biệt một số công ty con của VEAM sản xuất kinh doanh kém hiệu quả trong những năm trước đã bắt đầu giảm lỗ và từng bước hoạt động có hiệu quả. Hầu hết các công ty con đều đạt kết quả khá tốt về doanh thu.  9/13 chi nhánh, công ty con của VEAM làm ăn có lãi, còn lại 4 đơn vị tiếp tục lỗ, tuy nhiên số tiền lỗ cũng đã giảm dần so với các năm trước. Trong đó, đáng kể là Công ty TNHH MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp đạt GTSXCN và doanh thu tăng lần lượt 11% và 6% so với cùng kỳ 2021 và đều đạt trên 50% kế hoạch cả năm, giảm lỗ 1,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021; Công ty TNHH MTV cơ khí Trần Hưng Đạo có GTSXCN và doanh thu tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2021, giảm lỗ 0,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021; Viện Công nghệ có GTSXCN và doanh thu lần lượt đạt 104% và 95% so với cùng kỳ và đạt trên 50% so với kế hoạch cả năm, giảm lỗ 0,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021; Nhà máy ô tô VEAM cũng đã bắt đầu có lãi với lợi nhuận 4,4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022…

Nhóm 4 công ty DISCO, SVEAM, FUTU1, FOMECO tiếp tục vai trò dẫn dắt tăng trưởng là những công ty có doanh thu lớn, đóng góp trên 80% doanh thu của VEAM. Riêng hoạt động sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 của Công ty mẹ tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. GTSXCN đạt 284,2 tỷ đồng bằng 59% kế hoạch cả năm và tương đương với 110% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 322,4 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch cả năm và bằng 94% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu tài chính vẫn là lĩnh vực mang lại nguồn thu lớn cho Tổng công ty, đạt 4.777 tỷ đồng bằng 89% kế hoạch cả năm và tương đương với 91% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ đạt 4.673 tỷ đồng bằng 104% kế hoạch cả năm 2022.

Để có kết quả trên, đáng chú ý là hợp tác nội khối của VEAM trong 6 tháng đầu năm vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng. Nhiều đơn vị đang có hoạt động hợp tác, trao đổi, giao dịch lớn với các đơn vị khác như VF, DISOCO, SVEAM, TAMAC, Cơ khí Trần Hưng Đạo, Viện Công nghệ, FUTU1, FOMECO và Cơ khí chính xác số 1. Trong đó, các đơn vị mạnh của Tổng công ty như Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công đã phát huy vai trò dẫn dắt hỗ trợ các đơn vị thành viên trong quá trình hợp tác. Nhờ đó, các đơn vị nhỏ của VEAM đã vượt qua khó khăn.

Trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ thực hiện đánh giá, xem xét lợi thế, năng lực từng đơn vị, từ đó điều phối các chương trình hợp tác phù hợp nhằm phát huy tối đa lợi thế của các công ty thành viên để cùng nhau phát triển vì mục tiêu chung.

Các lĩnh vực cần đẩy mạnh hợp tác sản xuất nội bộ VEAM là: động cơ, máy nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất phụ tùng ô tô và khai thác năng lực dập, hàn sơn ED..., phương thức điều phối, trao đổi thông tin, hỗ trợ xúc tiến thương mại nhằm giúp các đơn vị thành viên nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh dựa trên lợi thế của từng đơn vị. Với tinh thần trách nhiệm cao trong chỉ đạo, điều hành, của các nhà quản lý, và các đơn vị thành viên, chắc chắn VEAM hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2022./.

 

 

Hội nghị nghe báo cáo SXKD của BGĐ

 

Hội nghị thảo luận về công tác SXKD

  

Hội nghị thảo luận việc hợp tác sản xuất nội bộ.